Chắc hẳn với những người làm việc trong lĩnh vực lập trình khái niệm API không hề xa lạ. Thậm chí nếu bạn theo dõi các tin tức công nghệ sẽ dễ dàng bắt gặp từ khóa API chẳng hạn như “Microsoft ra mắt 22 API có tri giác để nhận diện cảm xúc, hành động trong video, tự động ‘phiên dịch’ giọng nói ngọng nghịu của trẻ em hay tự động mô tả vật thể có trong hình ảnh”, hoặc “Sự trỗi dậy của API trong ngành công nghiệp phần mềm tương lai”… Hãy cùng tìm hiểu về khái niệm này và vì sao nó lại chiếm tầm ảnh hưởng quan trọng đến lập trình như thế nhé.

API là gì?

API là viết tắt của cụm từ Application Programming Interface, hay còn được gọi là Giao diện lập trình ứng dụng, bao gồm các phương thức, giao thức và công cụ xây dựng phần mềm ứng dụng, nhằm hỗ trợ lập trình viên trong việc xây dựng phần mềm máy tính. Hệ giao diện lập trình này cũng làm cầu nối giữa các ứng dụng từ xa và hệ thống ứng dụng cung cấp dịch vụ bằng cách cung cấp các phương thức trao đổi dữ liệu dễ dàng. Hay tưởng tượng đơn giản, API là chính là ổ cắm giúp cho chúng ta kết nối các thiết bị đơn giản hơn chỉ thông qua việc cắm vào nó.

Tuy nhiên, cái định nghĩa theo tiếng Việt “Giao diện lập trình ứng dụng” lại bị nhiều developer chuyên nghiệp xem là khá tối nghĩa. Đơn giản là vì bản chất của API vốn không phải là một “giao diện” theo cách hiểu thông thường, bởi vì nhiều người hay hiểu khái niệm “interface” là giao diện, nên đã mặc định API là một giao diện hỗ trợ xây dựng phần mềm. Áp dụng trong trường hợp của API, thì nó vốn là “cánh cửa” giữa phần mềm với phần mềm, là cầu nối giúp các phần mềm giao tiếp với nhau và tận dụng năng lực của nhau.

Ví dụ: Bạn có một cửa hàng cafe và bạn cần phải quản lý nhiều thứ khác nhau từ kho hàng, nguồn cung, doanh thu, khách hàng… nên bắt buộc bạn phải dùng nhiều phần mềm độc lập khác nhau để đáp ứng đầy đủ tác vụ: phần mềm quản lý bán hàng quán cafe, phần mềm quản lý kho, phần mềm quản lý sale… API là phương pháp giúp bạn kết nối dữ liệu và quy trình làm việc của nhiều phần mềm thành một hệ thống hoàn chỉnh với đầy đủ tính năng cần thiết từ các phần mềm bạn đang dùng.

Mô hình truyền thống và sử dụng API
Mô hình truyền thống và sử dụng API

Hiện nay API được phân thành các ngành sau:

  • Web API: là hệ thống API trên nền tảng web giúp các lập trình viên kết nối, lấy dữ liệu hoặc cập nhật dữ liệu vào hệ thống, mà đặc biệt các trang web về thương mại điện tử thường xuyên sử dụng chúng như Tiki, Lazada, Shopee… Nó giúp người quản trị tự động thực hiện các thao tác như tạo sản phẩm mới, cập nhật sản phẩm mới… khi số lượng hàng hóa quá lớn mà con người không thể kiểm soát.
  • Hệ thống API trên Hệ điều hành: giúp để lập trình viên có thể tạo ra các phần mềm ứng dụng có thể tương tác trực tiếp với hệ điều hành bằng cách đặc tả các hàm, phương thức, lời gọi hàm cũng như các giao thức kết nối.
  • Các API trên thư viện phần mềm hoặc framework: có chức năng mô tả và quy định các hành vi mong muốn mà các thư viện hoặc framework cung cấp.

Tại sao API lại có tầm ảnh hưởng quan trọng đến lập trình như vậy?

Thế giới lập trình và điện toán khi hoạt động đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phần mềm khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là một phần mềm độc lập duy nhất hoạt động. Chẳng hạn như khi bạn chơi Candy Crush trên điện thoại Samsung Galaxy Note 9, tức là bạn đang sử dụng một ứng dụng game (Candy Crush) và một hệ điều hành (Android).

API khi áp dụng cho mô hình thương mại điện tử
API khi áp dụng cho mô hình thương mại điện tử

Mỗi trải nghiệm trên máy tính đều là kết quả của sự kết hợp nhiều phần mềm khác nhau, bởi nếu chúng ta không phân chia công việc mà lại dồn hết những tác vụ lên một ứng dụng nào đó, nguy cơ quá tải và bị trục trặc chắc chắn sẽ xảy ra. Do đó, một trải nghiệm máy tính hay ứng dụng hoàn chỉnh đều là thành quả từ sự giao tiếp, tận dụng năng lực của nhiều phần mềm khác nhau mà thành, mỗi phần mềm cũng là do nhiều module, package kết hợp.

Lúc này đây, API chính là phát huy công dụng đắc lực nhất của nó: đóng vai trò làm “cánh cổng” giao tiếp giữa nhiều phần mềm. Có thể hình dung ra mỗi một phần mềm riêng biệt hay một module bên trong như một chiếc bánh răng cưa. Mỗi bánh răng cưa dù quay độc lập, nhưng để vận hành cả hệ thống mang lại trải nghiệm đầy đủ nhất, các bánh răng cưa cần quay sao cho “ăn khớp” lẫn nhau, bánh răng cưa này tạo lực cho bánh răng cưa nằm sát. Hãy tưởng tượng API chính là khớp nối giữa các thành phần phần mềm đó, các phần mềm muốn tương tác với nhau thì phải “gọi” API của nhau.

Groove Technology Company cho biết API hiện đang được xem là nhân tố cốt lõi trong công nghệ lập trình và được các ông lớn về công nghệ ứng dụng như Microsoft Windows từ nhiều thập kỷ nay. Trong thời gian gần đây, các tay gã khổng lồ khác như Google, Facebook, Salesforce đều đã gia nhập cuộc đua cung cấp nền tảng, mở mã nguồn rất nhiều để nâng cao hiệu quả lập trình, đồng giúp họ phát triển độc lập, chiếm được lợi thế trên thị trường thay vì phải phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp nền tảng giao diện lập trình ứng dụng.

Các website thương mại điện tử trên là các hệ thống thương mại điện tử có số lượng người dùng cực lớn, đồng thời cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phức tạp, đa tầng cùng khối lượng thông tin về sản phẩm, dịch vụ khổng lồ. Như vậy, nó cần API như một cơ chế trung gian để làm cầu nối cho các ứng dụng khác nhau tương tác với các hệ thống lớn. Mỗi kênh bán hàng trên đều cung cấp các hệ thống web API cung cấp cho module khác, phần mềm khác truy cập vào. Tất cả những gì bạn cần làm là xây dựng một ứng dụng những gì cung cấp phải thực hiện đã cam kết qua API tương ứng từng kênh bán hàng, và mọi việc sẽ tự động giống như bạn đã thấy Lazada, Tiki, Sendo… hoạt động.

API có tiềm năng mở rộng kinh doanh rất lớn
API có tiềm năng mở rộng kinh doanh rất lớn

Tiềm năng kinh doanh khi các công ty cung cấp một API là rất lớn có thể được mở rộng vô cùng lớn với rất nhiều tài nguyên mà doanh nghiệp có thể cung cấp cho các nhà phát triển. Một trong những ví dụ điển hình nhất chính là việc phát triển loại hình dịch vụ ví điện tử như MOMO, Zalopay, Viettelpay,… Chúng hoạt động bằng cách dùng API kết nối nhiều ngân hàng, các điểm mua sắm, thanh toán, giải trí…lại với nhau và giao dịch dựa trên nền tảng này. Những đối tác cho đơn vị phát triển ví điện tử kết nối đến hệ thống API của họ, và hợp tác kinh doanh dựa trên “win – win”. hoặc một ứng dụng quản lý dự án được thiết kế trên nền tảng API với quy trình hoạt động được kết hợp từ các phần mềm của từng phòng ban khác nhau.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về API đầy hữu ích này. Ngoài ra, bạn có thể truy cập vào trang web mona.solutions, đây là một trang chuyên cung cấp những thông tin về API cũng như những xu hướng, tin tức, giải pháp về lập trình và công nghệ hiện nay.